Thứ Bảy, 3 tháng 3, 2018

Ống nội soi dạ dày

Nội soi dạ dày là giải pháp hữu hiệu để kiểm tra và xác định các bệnh ở đường tiêu hóa. Đây là phương pháp chẩn đoán bệnh bằng cách sử dụng một thiết bị quan sát đặc biệt, gọi là ống nội soi dạ dày.

Ống nội soi là một ống soi mềm, đường kính 1cm, có bộ phận chiếu sáng và ghi nhận hình ảnh, có các nút bấm điều chỉnh để quan sát bên trong ống tiêu hóa trên bao gồm thực quản, dạ dày và tá tràng.

Nội soi dạ dày cần chuẩn bị những gì?

Để đảm bảo nội soi có kết quả tốt và an toàn, người bệnh cần nhịn ăn uống trước khi tiến hành nội soi ít nhất 6 giờ để tránh bị sặc thức ăn và bảo đảm cho việc quan sát, đánh giá tổn thương bệnh trong quá trình làm nội soi. Đối với trường hợp hẹp môn vị…, bệnh nhân cần phải nhịn ăn lâu hơn (12-24 giờ) hoặc phải được bơm rửa dạ dày.

Tại sao cần phải nội soi dạ dày?

Bệnh nhân cần nội soi đường tiêu hóa khi có biểu hiện các triệu chứng sau:



– Khó nuốt hay nuốt đau, nuốt vướng, nuốt nghẹn,

– Đau sau xương ức, cảm giác trào ngược, thường xuyên nôn ói khi đánh răng

– Đau thượng vị, nóng rát thượng vị. Có thể bị nôn ra máu

– Những triệu chứng ợ chua, ợ nóng, ợ hơi, ăn chậm tiêu, cảm thấy buồn nôn, thiếu máu, thiếu sắt…

– Ho, viêm họng lâu, kéo dài, cảm giác vướng cổ họng.

– Sụt cân nhanh không rõ nguyên nhân

– Sinh hoạt chung với người đã bị nhiễm vi khuẩn HP.

Việc chẩn đoán các bệnh lý ống tiêu hóa bằng nội soi có độ chính xác cao hơn so với chụp x-quang hay siêu âm. Ngoài việc chẩn đoán bệnh, nội soi dạ dày còn được chỉ định để lấy các dị vật ống tiêu hóa, điều trị xuất huyết tiêu hóa. Ngoài ra nội soi còn giúp lấy các mẩu mô sinh thiết từ tổn thương hoặc niêm mạc dạ dày để xét nghiệm mô bệnh học trong các trường hợp nghi ngờ ung thư hoặc giúp đánh giá có nhiễm Helicobacter pylori hay không.

Nội soi dạ dày được thực hiện ra sao?

Trước khi nội soi, bệnh nhân sẽ được thăm khám để đánh giá các nguy cơ, chỉ định và chống chỉ định trước thủ thuật. Bệnh nhân phải thông tin cho bác sĩ các thuốc đang dùng, tiển sử dị ứng thuốc và các tình trạng bệnh lý. Bác sĩ nội soi sẽ giải thích các yêu cầu thắc mắc của bệnh nhân cũng như các nguy cơ và rủi ro có thể xảy ra trong quá trình nội soi.

Trước khi nội soi, người bệnh sẽ được xịt thuốc tê vào cổ họng để giảm sự khó chịu trong suốt quá trình tiến hành soi. Bệnh nhân sẽ được cho nằm nghiêng về phía bên trái, thư giãn, thở sâu. Các y bác sỹ sẽ tiến hành đưa ống soi vào miệng, qua họng, để đến thực quản, dạ dày và tá tràng phục vụ cho việc quan sát bề mặt niêm mạc, đánh giá và chụp lại những tổn thương, lưu trữ hình ảnh. Thời gian tiến hành nội soi kéo dài khoảng từ 3 đến 5 phút.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét